Con người thuở sơ khai đã biết thờ phụng các vị thần tự nhiên như: thần Đất, thần Mây, thần Mưa, thần Gió, thần Sấm… Tín ngưỡng này bắt nguồn từ tâm lý e sợ các hiện tượng tự nhiên. Đời sống dân tộc Việt từ ngàn xưa dựa vào nông nghiệp, mà nông nghiệp thì lại phụ thuộc rất nhiều các điều kiện tự nhiên như: đất đai, thời tiết, khí hậu… Trong đó có thể nói, đất đai được xem là yếu tố cơ bản cấu tạo nên vạn vật, giúp cho người ta có được cuộc sống ấm no và sung túc.
Vì vậy, thần Đất hay Thổ Thần là một trong những vị thần được cư dân nông nghiệp luôn để tâm đến trước nhất. Nam Bộ là một vùng đất mới, nơi rừng thiêng nước độc, thú dữ khắp nơi. Để mong cầu bình an, nương một chỗ dựa tinh thần vì lẽ đó mà Thổ Thần được họ tôn kính. Tuy nhiên, do tâm thức mới, người nông dân Miền Nam đã vượt qua cái khuôn khổ cứng ngắt của tập tục thờ phượng ở Đàng Ngoài, và tiếp cận với Thổ Thần một cách “thân tình dân dã” hơn rất nhiều. Họ gọi Thổ Thần một cách thân thuộc là Ông Địa, và đưa vào thờ trong nhà (tuy cũng có làng vẫn còn có Miếu Thổ Địa hoặc riêng lẻ hoặc là một phần của Đình làng).
Đa số tượng Ông Địa đều cỡi hay ngồi tựa lưng vào cọp vàng. Trong tín ngưỡng dân gian, cọp vàng được chạm khắc hay vẽ ở bình phong các đình làng với ý nghĩa Hoàng hổ thuộc hành Thổ trong hệ thống thần Ngũ phương Ngũ Thổ.
Do đó Ông Địa cỡi cọp vàng là một biểu hiện được căn cứ vào thuyết Ngũ hành. Cũng có cách giải thích trên cơ sở lịch sử văn hóa: Ông Địa cỡi cọp là hình tượng hào hùng bắt nguồn từ lịch sử khẩn hoang vùng đất mới phương Nam. Cỡi cọp có ý nghĩa rằng đã diệt được cọp – vị chúa tể sơn lâm, để lập nên thôn ấp, ruộng rẫy, xóm làng.