Lễ hội chùa Ông Bổn của người Hoa ở Bình Dương

le hoi chua ong bon

Lễ hội chùa Ông Bổn là nét văn hóa độc đáo của người Hoa ở Bình Dương. Đây là ngôi chùa với lịch sử hàng trăm năm của người Hoa dòng Phước Kiến. Ngôi chùa cổ thường được bao quanh bởi các lò gốm sứ. Bình Dương có tất cả 5 ngôi miếu Ông Bổn (mà người dân quen gọi là chùa). Đó là chùa Ông Bổn Chánh Nghĩa (Phước An miếu). Chùa Ông Bổn Bà Lụa. Chùa Ông Bổn chợ Búng. Chùa Ông Bổn Lái Thiêu. Chùa Ông Bổn Tân Phước Khánh (Tân Phước Khánh Nghĩa đường). Hàng năm lễ hội chùa Ông Bổn luân phiên diễn ra ở mỗi nơi một lần. Đây là nét độc đáo chỉ có ở Bình Dương.

Ý nghĩa của từ “Ông Bổn”

Đối với người Hoa, Ông Bổn có nghĩa là “Ông tổ”. “Bổn” có nghĩa là “gốc“. Ông Bổn chỉ là một biểu tượng, không phải là một nhân vật cụ thể. Đa số người Hoa đều quan niệm rằng “Ông Bổn” là “Phước Đức Chánh Thần”. Tuy nhiên mỗi bang người Hoa đều có những quan niệm và tín ngưỡng riêng về Ông Bổn.

Đoàn Hẩu đi diễu hành ngày lễ chùa Ông Bổn

Người Hoa gốc Phúc Kiến ở Chợ Lớn đã cụ thể hóa là Châu Đạt Quan – Một vị quan đời Nguyên. Người Hoa gốc Triều Châu, Hải Nam ở miền Tây Nam bộ lại cụ thể hóa là Tam Bảo Thái Giám Trịnh Hòa – Người đời Minh. Người Triều Châu (ở Hội An) cụ thể hóa là Phục Ba Tướng quân Mã Viện. Người Quảng Đông ở Chợ Lớn cho Ông Bổn của họ là Thần Thổ Địa… nhưng những người Hoa họ Vương gốc Phúc Kiến ở Bình Dương cho rằng Ông Bổn của họ là Huyền Thiên Thượng Đế. Người họ Lý (gốc Triều Châu) cho Ông Bổn của họ chính là Ông tổ họ Lý.

Các cung điện thờ Ông Bổn ở Bình Dương

  1. Phước Võ điện- phường Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một (xây dựng năm1885)
  2. Ngọc Hư Cung- thị trấn Lái Thiêu (xây dựng khoảng 1971)
  3. Phước Thọ Đường – xã Hưng Định, Thuận An
  4. Phước Nghĩa Đường – Tân Phước Khánh, Tân Uyên.
  5.  Phước An Miếu ở Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một ( xây dựng năm 1980)

Lễ hội các đền miếu thờ Ông Bổn ở Bình Dương mang nội dung cúng tổ nghề gốm. Tập trung chủ yếu người Hoa ở địa phương và các nơi khác. Lễ hội này của người Hoa ở Bình Dương còn mang tính chất tín ngưỡng phúc thần, bảo hộ cuộc sống và việc làm ăn của cộng đồng người Hoa trên đất Bình Dương.

Lễ hội chùa Ông Bổn

Lễ hội chùa Ông Bổn được tổ chức vào ngày 25-2 (Âm lịch). Theo tục lệ tín ngưỡng của người Hoa, Ông Bổn vốn không được thờ cố định ở một địa phương mà được luân phiên ở các miếu thờ. Vì vậy lễ hội chùa Ông Bổn là nhằm mục đích thỉnh đưa Ông Bổn mỗi năm đến ở một ngôi chùa. Và như vậy, theo tục lệ phải cách bốn năm mới có lễ hội một lần.

Lễ hội rước kiệu ông bổn

Chương trình lễ hội bao gồm có các nghi thức cúng tế theo Đạo giáo do các thầy pháp chuyên nghiệp đảm trách. Kế đó là lễ rước kiệu các vị thần, kéo dài suốt đêm với hàng chục cây số bao quanh khu vực dân cư, không khí hết sức tưng bừng, náo nhiệt và hoành tráng. Trong lễ hội còn có hát Hồ Quảng, múa cù, múa lân sư rồng, đặc biệt là múa hẩu thu hút đông đảo người xem.

Lễ hội chùa Ông Bổn – nét đẹp của sự hòa hợp

Lễ hội chùa Ông Bổn tuy là Lễ hội mang đặc trưng của một dòng họ, một nghề nghiệp nhưng nó đã thu hút được sự quan tâm của cả người Hoa và người Việt. Chính vì vậy nó đã trở thành ngày lễ hội quan trọng trong đời sống tâm linh của người Bình Dương. Lễ hội chùa Ông Bổn cùng với lễ hội miếu Bà Thiên Hậu và một số lễ hội khác của người Việt đã tạo thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân gian. Nó trở thành những hoạt động chính trong các hoạt động văn hóa lễ hội diễn ra trong năm của cư dân Bình Dương nói chung và của cả khu vực Nam bộ nói riêng. Qua đó góp phần đặc sắc vào nền văn hóa đầy màu sắc tâm linh của Việt Nam.

Trả lời