Gốm Lái Thiêu, nét đẹp còn mãi với thời gian

Gốm Lái Thiêu

Gốm Lái Thiêu là một thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước về ngành gốm sứ. Cùng với Gốm Biên Hòa ( Đồng Nai) Gốm Cây Mai ( Sài Gòn) và Gốm Lái Thiêu ( Bình Dương) đã tạo nên tiếng tăm lừng lẫy khắp nước cho ngành gốm sứ miền Nam từ xưa đến nay. Lái Thiêu là một vùng đất lâu đời với bề dày lịch sử và văn hóa đậm chất Trung Hoa vì phần lớn cư dân Lái Thiêu là người hoa di cư đến đây sinh sống. Và phần lớn lò gốm tại Lái Thiêu cũng do người hoa làm chủ . Chính vì vậy gốm Lái Thiêu cũng mang nặng phong cách Trung Hoa với nhiều đường nét hoa văn tinh xảo hay các hình ảnh được tô vẽ theo nhiều tích của Trung Quốc xưa.

Gốm Lái Thiêu sự hình thành và phát triển

Bình Dương được thiên nhiên ưu đãi có nguồn khoáng sản đất sét và cao lanh rất phù hợp cho nghề làm gốm . Cũng chính vì vậy mà đã thu hút được nhiều nghệ nhân làm gốm từ làng gốm Cây Mai – Bến Nghé về đây sinh sống và lập nghiệp.

Có rất nhiều tranh cãi về cái nôi của nghề gốm Bình Dương. Có người nói cái nôi của gốm sứ Bình Dương ở vùng Tân Phước Khánh (Tân Uyên). Cũng có ý kiến cho rằng cái nôi của gốm sứ Bình Dương là ở vùng Chòm Sao (Búng) thuộc xã Hưng Định. Lại có ý kiến cho rằng ở Suối Sâu (Hòa Thạnh) Thuận An mới chính là cái nôi của gốm sứ Sông Bé, Bình Dương. Cho đến nay về vấn đề này vẫn đang còn là vấn đề gây tranh cãi của các nhà nghiên cứu gốm sứ . Gốm Bình Dương vẫn mong một ngày nào đó sẽ tìm hiểu được rõ ràng vấn đề này.

Lò gốm lái thiêu

Sơ lược về lịch sử ra đời của gốm sứ Lái Thiêu

Ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX, gốm Lái Thiêu là sự kết hợp giữa kỹ thuật làm gốm Nam Trung Hoa và truyền thống gốm Nam Trung bộ Việt Nam. Gốm Lái Thiêu cùng với gốm Biên Hòa – Gốm Cây Mai hình thành nên một tam giác gốm nổi tiếng về đồ gốm của khu vực Nam bộ .

Lái Thiêu  được biết đến với các ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, chạm khắc gỗ, vẽ tranh trên kính mà tiêu biểu nhất vẫn là nghề gốm sứ. Nó đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vì thế, không phải ngẫu nhiên trước kia người ta nói đến gốm Sông Bé tức là nói đến gốm Lái Thiêu, mặc dù từ xa xưa vùng đất Sông Bé (Bình Dương) đã hình thành 3 khu vực sản xuất gốm ngoài Lái Thiêu còn có làng gốm Chánh Nghĩa và làng gốm Tân Phước Khánh.

Ông tổ của gốm Lái Thiêu ?

Theo “Địa lý tự nhiên của tỉnh Bình Dương” thì nghề gốm Lái Thiêu có từ những năm 1850 của thế kỷ thứ XIX trở về trước với lớp cư dân của người Hoa đến lập nghiệp tại Bình Nhâm, Tân Thới khi đó các lò gốm dựng dọc theo bờ rạch Tân Thới với việc sử dụng các triền đồi để xây dựng lò gốm theo nguyên tắc gió tự nhiên. Trong giai đoạn đầu sản phẩm gốm Lái Thiêu chủ yếu ở các lò thuộc trường phái của người Phước Kiến như các loại lu, khạp, hủ, chậu, nồi, siêu nấu nước… men màu đen (lu dùng để đựng đường cho các lò đường lúc bấy giờ), một số lò nổi tiếng ngày xưa như lò Anh Ký, Quảng Thái Xương, Kiến xuân, Liên Hiệp Thành đến nay vẫn còn tồn tại và phát triển.

Những người lớn tuổi trong thân tộc của lò gốm Kiến Xuân kể lại rằng: Cách đây khoảng 145 năm đến 155 năm có ông Vương Tô người Phước Kiến đã từ Trung Quốc qua Gia Định sau đó đến Lái Thiêu mở lò gốm lập nghiệp đầu tiên, nơi này giờ thuộc ấp Bình Đức, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ông Vương Tô là ông cố nội của của ông Vương Thế Hùng chủ lò gốm Kiến Xuân theo lối cha truyền còn nối. Bà con trong thân tộc cho rằng lò gốm Kiến Xuân đã xây dựng và duy trì tới bây giờ với mặt hàng truyền thống là lu, khạp… đây là nơi xuất hiện đầu tiên của ngành gốm sứ Bình Dương.

Nghệ nhân làng gốm Lái Thiêu

Bên cạnh đó, những người Hoa gốc Quảng Đông ở Tân Phước Khánh giới thiệu rằng lò gốm Thái Xương Hòa là cơ sở gốm lâu năm nhất ở Bình Dương. Tục truyền rằng chú Mầu Quảng Đông đến Tân Phước Khánh đã lâu và lập nên lò gốm sứ cũng từ xưa, xưa lắm rồi. Họ bảo rằng chú Mầu đã cúng Chùa Bà cái lư hương và chiếc bình hoa làm di vật trong năm 1867 lúc Chùa Bà làm lễ khánh thành. Hiện nay cái lư hương vẫn còn song không có dấu hiệu là sản phẩm của Tân Phước Khánh, riêng cái bình hoa vẽ hình bát tiên có in chữ “Tân Khánh Thôn”. Hiện vật tuy ít nhưng chứng tỏ vùng Tân Phước Khánh cũng là nơi sản xuất gốm từ rất lâu đời.

Các trường phái của gốm Lái Thiêu

Nghề gốm Lái Thiêu đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải từ nửa đầu thế kỷ thứ XIX trở lại đây và do người Hoa sáng lập nên, lúc đầu là trường phái Phúc Kiến sau đó gốm Lái Thiêu còn có sự tổng hòa của 3 trường phái gốm Nam Trung Hoa đó là:

Trường phái Quảng Đông (lò Quảng): chuyên sản xuất các loại sản phẩm tượng trang trí, các loại chậu hoa, đôn voi nhiều loại, loại to thường dùng để ngồi, loại nhỏ để trang trí nội thất. Nét nổi bật của trường phái này là sử dụng men nhiều màu, hoa văn thường cách điệu, đẹp và trang nhã.

Trường phái Triều Châu (lò Tiều): chuyên sản xuất gốm gia dụng, phục vụ cho nhu cầu hàng ngày như: chén, đĩa, tô và các loại độc bình dùng để cắm hoa… trường phái này thường sử dụng men xanh, trắng, nét vẽ đa dạng phong phú. Họ chú ý vẽ hoa văn bình dị, cảnh sơn thủy hữu tình, hình ảnh các con vật như con rồng, con gà; cây cối như tùng, cúc, trúc… có tính nghệ thuật gợi cảm.

Trường phái Phúc Kiến (lò Phúc Kiến): chuyên sản xuất chóe đựng rượu, lu vại đựng nước, các đồ dùng như hủ, vịm… trường phái này thường sử dụng men màu đen, da lươn, hoa văn trang trí sinh động và tạo dáng đẹp mắt.

Ngày nay, các trường phái gốm sứ hầu như không còn sự phân định rõ ràng như trước kia, bởi lý do có sự phát triển về công nghệ, thị trường yêu cầu, nên các trường phái đã có sự pha trộn, xâm nhập lẫn nhau. Các chủ cơ sở sản xuất nếu muốn tồn tại và phát triển, họ phải liên tục cải tiến mẫu mã đổi mới công nghệ, để sản phẩm cạnh tranh được với những mặt hàng nổi tiếng của Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…

Đôn voi Lái Thiêu

Kết luận

Gốm Lái Thiêu tuy ra đời muộn nhưng đã nhanh chóng hòa nhập và ngày càng phát triển mạnh. Người thợ gốm Lái Thiêu đã lấy hình ảnh thực của vùng đất Nam bộ như con gà, con cua, con cá, cây chuối, hoa cúc, thảo mộc… để làm cảm hứng trên sản phẩm gốm của mình. Từ đó tạo nên những bức tranh gốm hồn nhiên, hấp dẫn và sinh động. Cùng với nghệ thuật thể hiện màu sắc tương phản, sinh động bút pháp điêu luyện càng làm cho người sử dụng yêu thích và mến mộ.

Đến nay, tuy có chịu ảnh hưởng chút ít của gốm nước ngoài về một số thể loại nhất định nhưng chủ yếu nghề gốm Lái Thiêu vẫn giữ được truyền thống. Gốm Lái Thiêu vẫn giữ được những sắc thái riêng của mình trong quá trình tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay. Vì vậy, các sản phẩm làm ra luôn tạo được chỗ đứng trên thị trường cũng như góp phần làm phong phú thêm các thể loại gốm trong khu vực Đông Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bài viết của Gốm Bình Dương có sự tham khảo từ nhiều nguồn và nhiều tác giả. Trong bài viết có nhiều sai sót hoặc chưa đúng mong quý độc giả comment chỉ bảo thêm để bài viết được hoàn thiện.

Xin cám ơn!

Trả lời